Hiện nay có rất nhiều thông tin lan truyền trên mạng, khuyên người bệnh nên "bỏ đói tế bào ung thư" bằng cách chỉ ăn gạo lứt, rau củ, không ăn thịt đỏ.... Không ít người bỏ cả phác đồ điều trị của bác sĩ để làm theo những lời khuyên này. Thế nhưng thực tế đã có nhiều trường hợp vì suy kiệt sức lực mà dẫn đến cái chết nhanh hơn trước khi "chữa hết" ung thư.
Vì sao xuất hiện tế bào ung thư?
Cơ thể chúng ta luôn phân chia tế bào hàng ngày, tế bào cũ chết đi, tế bào mới hình thành. Thay vì phân tách lành mạnh, một số tế bào phát triển dị biệt, tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các cấu trúc xung quanh quá mức và khối u ra đời.
Có 2 loại khối u là khối u lành tính và ác tính. Với những khối u lành tính, sẽ dễ dàng cắt bỏ và không xâm lấn vào các cơ quan, bộ phận khác. Tuy nhiên khối u ác tính lại phá hoại và di căn, gọi là ung thư. Tế bào ung thư sẽ dần dần lây lan ra khắp bộ phận cơ thể, bám vào gan, phổi, thận, xương... để phá hoại và lấy chất dinh dưỡng, làm cho cơ thể ngày một suy kiệt.
Thế nào là chế độ thực dưỡng?
Phương pháp thực dưỡng được cho là xuất phát từ châu Âu sau đó du nhập vào Nhật Bản từ những 30 của thế kỷ trước. Phương pháp này là sự kết hợp giữa chế độ ăn uống cùng các triết lý sống dựa trên cân bằng âm dương, vận động ngũ hành, kết nối vũ trụ... Tuy nhiên tất cả chúng đều là suy đoán, chưa có bằng chứng khoa học.
Chế độ ăn thực dưỡng là ăn những ngũ cốc nguyên cám, đậu, gạo lứt, rau củ quả, rong biển, trái cây. Hạn chế thịt, đặc biệt thịt đỏ, mỡ, trứng, các thực phẩm đóng hộp, đường tinh luyện, thực phẩm có sử dụng chất hoa học, thuốc trừ sâu.... Song song với đó là có phương pháp dưỡng sinh, vẫn động phù hợp.
Có nên áp dụng chế độ thực dưỡng cho bệnh nhân ung thư?
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ (Trưởng khoa Ung Bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng, ăn uống theo chế độ thực dưỡng, bỏ đói ung thư thực tế không chữa được ung thư. Nếu cứ theo chế độ thực dưỡng, hạn chế quá mức thịt, dầu mỡ.... người bệnh sẽ dần mất cân bằng dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch và dễ mắc bệnh hơn.
Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh thực dưỡng giúp phòng ngừa và điều trị ung thư hiệu quả. Ngược lại, có nhiều trường hợp người bệnh suy dinh dưỡng khi ăn theo chế độ này. Bác sĩ Vũ cũng nhấn mạnh: "Cần hiểu răng ung thư như cây tầm gửi hoặc loài chí rận sẽ hút cạn chất dinh dưỡng của cơ thể bệnh nhân dù họ có nhịn đói".
Vậy nên người bệnh hãy duy trì bữa ăn đủ chất thì cơ thể mới khỏe mạnh, hệ miễn dịch hoạt động tốt, như vậy mới có thể đánh bại tế bào ác tính. Việc bỏ đói tế bào ung thư thật ra chỉ làm cơ thể suy kiệt đi, các cơ quan hệ miễn dịch bị tổn thương, càng làm cho bệnh ung thư và các bệnh truyền nhiễm khác dễ dàng tần công.
Ban biên tập GlobeDr
0 Nhận xét