Hiện nay, số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại một số tỉnh thành đang có xu hướng gia tăng. Đáng nói là có nhiều trường hợp đã xuất hiện những biến chứng nguy hiểm, như viêm phổi, suy hô hấp và viêm não... đe dọa tính mạng trẻ. Vì vậy, phụ huynh cần nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh, bảo vệ trẻ bằng việc nhận biết dấu hiệu nhiễm bệnh qua các giai ngay từ hôm nay để có biện pháp xử lý và chăm sóc trẻ đúng cách.
Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng


Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng qua từng giai đoạn

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do virus đường ruột gây ra. Bệnh có thể dễ dàng lây truyền qua đường tiêu hóa hay do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các phỏng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng. Cụ thể, trẻ nhiễm bệnh tay chân miệng sẽ trải qua các giai đoạn sau:
  • Giai đoạn ủ bệnh: khoảng 3-7 ngày.
  • Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
  • Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh: Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt. Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm. Sốt nhẹ, nôn. Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.
  • Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

bàn tay bị bệnh tay chân miệng

Bệnh tay - chân - miệng có 2 thể: Thể nhẹ (do coxsackievirus A16), có thể tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị. Thể nặng (do virus enterovirus 71), rất nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời, dễ dẫn đến tử vong.
Theo các chuyên gia, các biến chứng do bệnh tay chân miệng gây ra có thể là:
-       Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não
-       Rung giật cơ, giật mình chới với: từng cơn ngắn 1-2 giây, chủ yếu ở tay và chân, dễ xuất hiện khi bắt đầu giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa
-       Ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược
-       Rung giật nhãn cầu
-       Co giật, hôn mê là dấu hiệu nặng, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn
-       Biến chứng tim mạch, hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch,..
Phụ huynh cần theo dõi, chăm sóc trẻ cẩn thận và nếu nhận thấy xuất hiện những triệu chứng bệnh tay chân miệng ở thể nặng sau hãy cần đưa trẻ đến bệnh viện gấp: sốt hơn hai ngày, sốt hơn 39 độ C, uống thuốc khó hạ, hay nôn ói, giật mình chới với lúc thiu thiu ngủ, nảy người, không giống với giật mình lăn qua lăn lại khi ngủ sâu, không đi vững, tay chân yếu, người run, thở khó, thở nhanh...

Phụ huynh cần chủ động phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ

Trẻ còn nhỏ chưa có ý thức nên thường có thói quen bỏ tay vào miệng, bò dưới sàn nhà và ngậm đồ chơi… nên dễ nhiễm phải virus gây bệnh. Chính vì vậy phụ huynh cần là người chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh tay chân miệng:
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
  • Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.
  • Không nhai, mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
  • Thường xuyên vệ sinh bề mặt các vật dụng tiếp xúc hàng ngày như dụng cụ học tập, đồ chơi, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, sàn nhà, mặt bàn/ghế... bằng các chất tẩy rửa thông thường.
  • Khi có con mắc bệnh, phụ huynh cần cho bé nghỉ học ít nhất 10 ngày, thông báo cô giáo bé mắc bệnh tay chân miệng để phòng cho trẻ khác.

Bên cạnh đó, nếu có bất kỳ thắc mắc gì về bệnh tay chân miệng, phụ huynh có thể đặt câu hỏi tại chức năng HỎI BÁC SĨ qua ứng dụng sức khỏe GlobeDr để được các bác sĩ đầu ngành tư vấn trực tiếp qua video – nhanh chóng, chính xác, tiện lợi!