Theo GlobeDr VietNam tìm hiểu, Sởi là một bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, do virus sởi gây nên, chúng tồn tại ở họng và máu của bệnh nhân từ cuối thời kỳ ủ bệnh đến sau khi phát ban một thời gian. Bệnh sởi rất dễ lây lan qua đường hô hấp nên bạn rất dễ bị nhiễm bệnh. Vậy đâu là dấu hiệu nhận biết sớm của sởi?
https://files.globedr.com/Upload/PostMsgDoc/3f1/d00/695/16191.jpg
Theo bác sĩ, bệnh sởi có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 10 - 12 ngày, sau đó mới khởi phát lần lượt các triệu chứng bệnh.
Thời khi khởi phát

  • Sốt cao liên tục trên 39 độ C;
  • Sổ mũi, ho khan, khản tiếng, ho có khi có đờm;
  • Chảy nước mắt, phù mi mắt, kết mạc đỏ, sợ ánh sáng;
  • Nôn ói, đi ngoài phân lỏng;
  • Có hạt nội ban xuất hiện ở vòm miệng hay vòm họng. Đây chính là dấu hiệu chỉ điểm của bệnh, hạt nội ban nhỏ bằng hạt cát, màu trắng ngà, xung quanh có viền đỏ.

Thời kỳ phát ban

  • Đây chính là giai đoạn điển hình nhất của bệnh, phát ban tuần tự trên da. Đầu tiên, ban xuất hiện ở vùng chân tóc phía sau tai, xuất hiện ở mặt và lan dần xuống phía dưới trong khoảng 24 - 48 giờ.
  • Ban sởi dạng dát sẩn, hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn nhưng không đau, ngứa ít hoặc không ngứa, không sinh mủ. Trong trường hợp nhẹ, ban sởi thường nổi gần nhau nhưng riêng rẽ; nếu nặng thì có xu hướng hợp với nhau thành những ban lớn, thậm chí là từng mảng xuất huyết (sởi đen).

Các bác sĩ cho biết, mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc sởi, song trẻ em chính là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do hệ miễn dịch còn chưa được hoàn thiện. Vì vậy, mọi người dân cần được tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Cụ thể: Trẻ từ 7 - 9 tháng cần tiêm mũi vắc xin sởi; trẻ từ 12 - 18 tháng cần tiêm mũi vắc xin sởi - quai bị - rubella (MMR) và tiêm nhắc lại mũi MMR khi trẻ lên 4 - 5 tuổi; người lớn chưa được tiêm cũng cần tiêm bổ sung ít nhất 1 liều MMR, trừ trường hợp bạn đã từng mắc cả ba bệnh sởi, quai bị và rubella.
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y Tế), dịch sởi ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang có diễn biến phức tạp, số người mắc bệnh tăng rất cao ở mức báo động.
Theo đó, nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ bị mắc sởi là không tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Có khoảng 5 - 10% trường hợp người bệnh bỏ qua mũi tiêm này là do bị ốm, do vắng mặt hay di cư trong thời điểm tiêm chủng. Đáng chú ý hơn là nhiều trường hợp bị ảnh hưởng bởi phong trào “anti vắc xin” và chủ động không tiêm phòng cho con.

Xem thêm bài viết: https://globedr.com/post/4d68724f4e336d46507459533171537a3761567930413d3d